Người bệnh hãy đến Trạm Y tế phường hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc Sốt xuất huyết
Trong những tuần đây, số ca mắc Sốt xuất huyết (SXH) tăng nhanh liên tục. Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 30/9/2022, quận Long Biên ghi nhận 113 ca mắc SXH và 1.577 ca bệnh theo dõi SXH, phân bố tại tất cả các tổ dân phố trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, số bệnh nhân đi khám muộn và tự điều trị không đúng cách (lạm dụng thuốc hạ sốt, truyền dịch, dùng thuốc kháng sinh…) tại nhà cũng ngày càng tăng. Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Đức Giang, có đến 58,9% bệnh nhân ngày thứ 4-5 mắc bệnh mới đến viện khám, đây là giai đoạn thoát huyết tương, hạ tiểu cầu rất nguy hiểm. SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, việc điều trị chậm, không đúng cách sẽ khiến bệnh trở nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị đúng cách, không tự ý điều trị tại nhà. Các chuyên gia khuyến cáo kể cả những bệnh nhân nhẹ thì ngày thứ 3 mắc bệnh cũng cần đến cơ sở y tế để khám.
Hiện nay dịch SXH đang lan rộng trên địa bàn Quận, người có sốt cao đột ngột, liên tục cần nghĩ tới có thể mắc SXH, nhất là khi có kèm thêm dấu hiệu nhức đầu, chán ăn buồn nôn; phát ban, xuất huyết da; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt… người bệnh hãy đến Trạm Y tế phường hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. Không được chần chừ, hãy đến ngay bệnh viện khi có các dấu hiệu bệnh chuyển nặng sau: vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng nhiều và liên tục; nôn nhiều; xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, miệng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen…), tiểu ít…
Trường hợp bệnh nhân đi khám và được bác sĩ cho điều trị tại nhà cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và đến tái khám theo lịch hẹn. Một số lưu ý khi theo dõi, chăm sóc người bệnh SXH tại nhà:
- Hạ sốt:
+ Lau mát tích cực.
+ Khi cần hạ sốt bằng thuốc chỉ được sử dụng paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ. Không được lạm dụng thuốc paracetamol vì dùng quá liều có thể dẫn tới ngộ độc gan và làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
+ Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để hạ sốt vì thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày. Không ăn thức ăn, nước uống có màu đen, đỏ, nâu để hạn chế gây nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa.
- Tăng cường uống nhiều nước, bù điện giải bằng dung dịch oresol hằng ngày để bù vào lượng nước đã mất do sốt cao, ăn uống kém. Có thể uống các loại nước dinh dưỡng từ trái cây, sữa để cung cấp thêm vitamin, khoáng chất và năng lượng.
- Mặc quần áo mỏng, dễ chịu và nằm nghỉ ở nơi thoáng mát.
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Không uống rượu bia, chất kích thích.
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng hay vận động mạnh.
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc khi có dấu hiệu bất thường.