Bạn đừng nói với con: “Con nít có cần gì đâu mà xài tiền. Muốn gì cứ xin bố mẹ đưa cho!”. Thực tế, việc cho con tiền phòng thân sẽ giúp bé trưởng thành hơn
Chị bạn tôi kể: “Mỗi ngày chị cho con 2.000 đồng để tiêu vặt. Thằng bé để dành rất cẩn thận. Một ngày nọ, chị cần trả tiền bình nước suối nhưng lại không tìm ra ví. Sau một lúc tìm kiếm, con chị vui mừng hét toáng lên: “Mẹ ơi, con có tiền mà. Mẹ có thể lấy tạm tiền của con”. Cũng từ đó, bé biết quý trọng đồng tiền hơn. Bé luôn ý thức và gọi khoản này là tiền phòng thân, dành cho những việc đột xuất.
Để dành tiền phòng thân giúp bé trưởng thành hơn
Ông Trần Việt Quân, chuyên gia tâm lý và kỹ năng sống, công tác ở trường Mầm non Tiểu học Quốc tế Pathway, Q. 2, TP. HCM, cho biết: “Cho con tiền phòng thân giúp bé thỏa mãn nhu cầu chi tiêu riêng và cũng là công cụ để bé giao tiếp”. Việc để dành tiền phòng thân sẽ giúp bé trưởng thành hơn, cụ thể:
• Biết lập kế hoạch: Lên kế hoạch tiêu xài cũng giúp con hình thành trong nhân cách và tư duy thói quen lập kế hoạch trong cuộc sống.
• Biết quý trọng tài sản: Bé sớm có trách nhiệm với tiền riêng của mình. Con cảm thấy tiếc tiền khi mua sắm cũng là lúc biết quý trọng nó.
• Chủ động trong chi tiêu: Ở lớp bé cũng có những khoản thu nhỏ. Nếu không thể đóng tiền lúc đó, con rất khó xử và có phần tự ti. Hãy để con chủ động tiêu xài theo mục đích và nhu cầu, miễn là trong quyền kiểm soát của bạn.
Khuyến khích con lập quỹ tiền phòng thân thế nào
Trẻ để tiền trong ví, bỏ ống heo cũng là cách cho con tiền phòng thân. Bạn nói với bé phải có kế hoạch trong thu chi thì mới dành dụm được nhiều tiền. Nếu bé vẫn còn bỡ ngỡ trong vấn đề này, bạn hãy giúp bé bằng những cách sau:
Vẽ hình lên dụng cụ đựng tiền: Để giúp trẻ có động lực tiết kiệm tiền, hai mẹ con hãy cùng vẽ lên vật dụng đựng tiền (heo đất, chiếc hộp đẹp mắt hoặc phong bao lì xì) hình món đồ mà con muốn mua. Ví dụ nếu con muốn dùng số tiền ấy để mua một chiếc xe điều khiển, bạn sẽ vẽ hình chiếc xe điều khiển, còn muốn xe đạp thì vẽ xe đạp. Bạn giúp con phân biệt khoản tiền để dành ngắn hạn (để mua những vật trị giá thấp dưới 200.000 đồng) và khoản tiền dài hạn phải để dành lâu hơn, mua vật có giá trị hơn.
Thiết kế một biểu đồ tiết kiệm: Bạn lấy một tấm bìa. Trên đó, bạn phân chia từng mốc thời gian cụ thể hàng tháng, bạn cho con tiền phòng thân mỗi ngày và món đồ con muốn mua. Ví dụ, con muốn mua đồ chơi giá 350.000 đồng. Bạn vẽ lên bảng biểu đồ 10 tuần với hình vẽ món đồ chơi ở tuần cuối cùng. Như vậy, con bạn phải tiết kiệm, 35.000 đồng mỗi tuần (số tiền hằng ngày con phải tiết kiệm là 5.000 đồng). Số tuần và số tiền cách món đồ chơi mấy tuần nữa đều được thể hiện bằng mũi tên đi lên chiếc bảng biểu đồ ấy. Con sẽ hiểu rằng để đạt đến mục tiêu, bản thân cần phải biết tiết kiệm và nỗ lực không ngừng.
Khéo léo nhắc con về chuyện tiết kiệm: Bất kỳ đứa trẻ nào cũng cảm thấy nhàm chán khi bố mẹ “lên lớp” dạy dỗ mình cách dùng tiền. Song, nếu con vô tình nghe những lời giáo dục ấy từ bạn với một người khác, chúng sẽ tiếp thu rất nhanh chóng. Đợi những lúc có mặt con, bạn hãy khéo léo nói chuyện về tiền lương của mình với chồng. Lúc này, bạn sẽ nhắc đến việc đồng lương ngày càng eo hẹp, giá tiêu dùng leo thang và cả kế hoạch sử dụng lương một cách hợp lý. Bạn có thể đề cập chuyện người nào đó đã qua đời vì không có tiền chữa bệnh. Những suy tư của bạn giúp con nhận ra việc tiết kiệm tiền là hành trình dài lâu.