uy nhiên, thực tế vẫn có những đứa trẻ còn vụng về trong vấn đề này mà nguyên nhân chính là do từ phía gia đình.
Trẻ biết làm công việc đơn giản
Nhân dịp Tết Dương lịch, chị Lê Thị Tuyết (ngụ đường Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đưa cậu con trai về thăm ông bà ngoại ở Bình Dương. Sau vài tháng gặp lại, ông bà có cảm giác đứa cháu ngoại thay đổi hoàn toàn. Không chỉ cao lớn và khỏe mạnh, cu Bim còn biết lấy muỗng xúc cơm, xúc cháo tự ăn một mình rất ngon lành. Mặc dù đôi khi còn vương vãi chút thức ăn ra ngoài nhưng so với thời gian mới vào lớp Lá thì cu Bim cũng đã tiến bộ hơn nhiều. Chị Tuyết nhớ lại hồi mới cho cháu vào học lớp bán trú ở Trường Mầm non Hương Sen (Q.Phú Nhuận), chị luôn bị cô giáo phàn nàn về chuyện ăn uống của cháu. Mặc dù đã gần 5 tuổi nhưng cu Bim vẫn chưa biết cách cầm muỗng và tự xúc cơm trong chén để đưa vào miệng. Thế nhưng, sau vài tháng vào học bán trú ở trường, được sự hướng dẫn của cô bảo mẫu, cu Bim đã tự xúc cơm ăn giống như các bạn khác. Cô Bùi Thị Ánh Hồng - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Sen - cho biết: “Rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho bé là một trong những nội dung chính của việc thực hiện đổi mới chương trình giảng dạy của nhà trường trong mấy năm gần đây theo chủ trương của ngành. Nếu trước đây có những việc giáo viên phải làm thay thì bây giờ xu hướng giáo dục là phải dạy trẻ biết làm những công việc đơn giản nhẹ nhàng mà mục đích trước hết là tự phục vụ bản thân mình”. Cũng theo cô Hồng, không ít trẻ do giáo dục của gia đình chưa đến nơi đến chốn nên chưa hình thành được những thao tác cần thiết trong đời sống hàng ngày để tự phục vụ mình. Nếu không hướng dẫn thì các cháu dễ trở thành người thụ động, thiếu kỹ năng làm việc và nguy hại hơn là để cho người khác phải phục vụ cho mình nhất là khi bước vào tuổi trưởng thành.
Cô Trần Thị Mai Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non 27 Bình Thạnh - chia sẻ, đối với các cháu việc rèn luyện kỹ năng tự phục vụ không phải là những công việc quá to tát mà chỉ là những thao tác đơn giản như rửa mặt, đánh răng, rửa tay chân… Ngoài vệ sinh cá nhân các cháu còn biết sắp xếp đồ dùng cá nhân như để dép ngay ngắn, phơi khăn mặt đúng chỗ. Trong giờ học trẻ phải biết lựa chọn đồ chơi theo chủ đề, sau khi học xong nên biết sắp xếp đồ đạc theo chỗ cũ. Nếu ở trẻ lớp Mầm cô giáo phải bón cơm cháo cho cháu thì lên lớp Chồi và Lá các cháu phải biết cách cầm muỗng và tự đưa thức ăn vào miệng.
Giáo dục nhân cách sống
Không ít trẻ mầm non vì quá được cưng chiều, cha mẹ làm thay hết mọi việc nên trẻ có thói quen ỷ lại và chỉ biết trông chờ người khác phục vụ. Thiếu kỹ năng tự phục vụ sẽ dẫn đến hệ lụy trẻ lười biếng, thụ động và khó khăn khi tham gia vào các hoạt động của tập thể. Với vai trò làm cha làm mẹ, các bậc phụ huynh nên coi đây là một yêu cầu cần thiết đối với việc hình thành nhân cách trẻ ngay từ những bước đi chập chững đầu tiên. Thực tế đã cho thấy không chỉ có trẻ mầm non mà ngay đến cả học sinh khi đã ngồi trên ghế cấp tiểu học cũng có nhiều khoảng trống trong kỹ năng tự phục vụ.
Thông thường trước khi cho con vào học lớp 1, cha mẹ thường lo lắng tìm cách cho trẻ học chữ mà quên mất việc giáo dục trẻ có thêm kỹ năng tự phục vụ cho chính bản thân. Khác với trường mầm non, khi vào học lớp 1 các em không còn sự chăm sóc chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ của các cô bảo mẫu mà mọi việc đều phải tự lo. Nếu có được tâm lý sẵn sàng thì trẻ dễ dàng nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống hơn và luôn biết làm chủ bản thân mình. Chính vì thế hơn ai hết các bậc phụ huynh cần có ý thức và hiểu biết trong vấn đề này. Không chỉ biết cách tự phục vụ, chúng ta phải dạy cho trẻ biết cách phục vụ người khác mà trước hết là ông bà cha mẹ trong nhà. Trước khi đến trường phải biết lấy nón mũ, đi giày dép, mang ba lô; đến bữa ăn phải biết lấy chén đũa, lấy nước lấy tăm mời người lớn. Những việc làm này còn giúp trẻ có thêm niềm vui, mở rộng tình nhân ái nhanh chóng đẩy lùi tính ích kỷ và nhỏ nhen khi nào cũng chỉ biết chăm lo cho cá nhân mình mà thôi.
Hương Thủy