Dây rèm cửa sổ, pin đồ chơi, ti vi màn hình phẳng… là những đồ vật tưởng an toàn nhưng lại rất nguy hiểm trong những nhà có trẻ nhỏ.
Nhà là nơi để thư giãn và tận hưởng thời gian bên gia đình. Tuy nhiên, tai nạn vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là với những trẻ trong độ tuổi thích khám phá những điều mới mẻ.
Bài viết sẽ đề cập tới những vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến an toàn cho bé để bố mẹ luôn cảnh giác hơn giúp trẻ vui chơi an toàn và lành mạnh khi ở nhà.
1. Những cục pin nhỏ
Trẻ nhỏ thường thích khám phá. Khi chúng tìm thấy điều gì mới mẻ điều chúng làm đầu tiên sẽ là… bỏ vào miệng. Các thiết bị điện tử ngày nay lại được thiết kế nhỏ gọn. Pin điện tử thường có trong rất nhiều các thiết bị trong nhà như điều khiển từ xa, máy tính, đồng hồ, đồ chơi, thiệp chúc mừng có nhạc…
Pin thường qua hệ tiêu hóa mà không gây tai nạn. Nhưng nếu pin bị mắc lại ở thực quản, dạ dày hoặc ruột, dịch pin ăn mòn sẽ gây tổn thương niêm mạc gây loét. Chưa kể, pin cứng và kích thước khá lớn có thể khiến trẻ bị ngạt.
Ở Mỹ mỗi năm có hơn 2.800 trẻ em phải điều trị tại phòng cấp cứu sau khi nuốt phải pin. Như vậy cứ 3 giờ lại có một đứa trẻ vô tình nuốt phải pin không an toàn. Số trẻ bị thương nghiêm trọng hoặc tử vong do pin đã tăng gấp chín lần trong thập kỷ qua.
2. Dây kéo rèm
Rèm cửa sổ là vật dụng không thể thiếu trong các gia đình. Chúng được thiết kế có dây kéo để thuận tiện cho việc sử dụng. Nhưng đây cũng chính là thủ phạm gây tai nạn cho trẻ. Vì dây kéo thường ở vị trí thấp và vừa với tầm với của trẻ.
Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban An toàn Sản phẩm tiêu dùng (Mỹ) (CPSC), ít nhất 332 trẻ em, hầu hết là dưới 2 tuổi đã từng bị siết cổ bằng dây kéo rèm cửa sổ trong suốt 30 năm qua. 165 đã từng bị thương trong đó có một số trẻ bị tổn thương não vĩnh viễn hoặc tổn thương tứ chi cần chăm sóc suốt đời.
3. Nút nhựa bịt ổ điện
Nút nhựa bịt ổ điện là dụng cụ bảo vệ để tránh trẻ chọc tay, nghịch vào ổ điện nhưng nó không hẳn là giải pháp an toàn. Bởi vì trẻ con với trí tò mò khi thấy những chiếc nút này thường hí hoáy khám phá. Theo số liệu của Quỹ An toàn điện quốc tế 100% trẻ em ở độ tuổi từ 2-4 có thể tháo nắp nhựa bịt ổ cắm điện trong vòng 10 giây.
Các con số thống kê được của tổ chức này cũng cho thấy có đến 7 bé phải nhập viện cấp cứu mỗi ngày vì các thương tích nghiêm trọng liên quan đến ổ cắm điện bao gồm cả bị điện giật và bỏng. Những vật dụng mà trẻ thường xuyên chọc vào ổ cắm điện là ngón tay, chìa khóa, và kẹp tóc…