Thức ăn “hạp” sâu răng
Đường ăn thông thường (saccarose) là loại gây sâu răng nhiều nhất, tiếp đến là đường glucose, fructose, maltose. Các loại đường này có trong đường ăn, bánh kẹo, mật ong, mật mía, trái cây chín, mía, thốt nốt, nước ngọt... Chất đường trong thức ăn uống dính lâu trong miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn làm lên men. Đối với chất tinh bột có trong lương thực như gạo, ngô, khoai, sắn, đậu: nhiều nghiên cứu cho thấy chúng ít gây sâu răng.
Do đó, trẻ ăn vặt nhiều tinh bột, ăn ít các loại đường có mức sâu răng thấp. Trái lại với những trẻ ăn vặt ít tinh bột, nhưng ăn nhiều đường bị sâu răng nhiều hơn. Tinh bột thô ít gây sâu răng, hỗn hợp tinh bột và saccarose gây sâu răng nhiều hơn. Các loại thuốc dùng cho trẻ em như kháng sinh, vitamin, sirô ho... chứa một lượng lớn đường, vì vậy chúng có thể gây tăng tốc độ sâu răng. Trẻ em còn bị sâu răng do bú bình: thói quen của một số gia đình cho con bú lúc đi ngủ, vào giường với bình sữa cho đến khi trẻ ngủ; nhiều bà mẹ quá chiều con hoặc cho trẻ ngậm bình trong khi ngủ để giải quyết tình trạng trẻ quấy khóc ban đêm.
Trẻ trốn sâu răng bằng cách nào?
Để phòng ngừa sâu răng, nên cho trẻ ăn uống theo những khuyến cáo sau đây: chỉ cho trẻ ăn đường dưới 500g/trẻ/tháng sẽ giảm đáng kể nguy cơ sâu răng. Chất ngọt thay thế đường loại ngọt đậm và xylitol không gây sâu răng. Các loại ít ngọt tuy bị vi khuẩn trong miệng chuyển hóa nhưng với tốc độ rất chậm nên có thể xem là an toàn. Tương lai, thuốc dùng cho trẻ em cũng dùng các chất ngọt thay thế đường sẽ giảm tỷ lệ sâu răng cho trẻ.
Thức ăn giàu canxi, vitamin D có trong sữa, rau quả xanh, cá, phomat... giúp chống mòn răng cho trẻ. Phomat rất giàu chất canxi, khi ăn phomat chất canxi bám vào bề mặt răng có tác dụng phục hồi bề mặt răng chống lại sự tấn công của acid rất hiệu quả. Các loại rau quả không gây hại cho răng gồm: rau xanh các loại, dưa chuột, súp lơ, bí xanh, bí đỏ, cà tím, củ cải, cà rốt, mướp, dưa gang… giúp làm sạch răng và loại bỏ mảng bám. Nên ăn 200g/bữa và ăn đều đặn hàng ngày.
Tuy nhiên có những rau quả gây hại cho răng như: chuối, chà là, nho, cà chua, đậu hà lan, quả sung, táo ngọt, lựu, cam, quýt, quất, me chua, sấu,... do chứa nhiều carbohydrat hoặc acid ăn mòn răng. Vì vậy, chúng ta nên cho trẻ dùng xen kẽ loại rau quả gây sâu răng với loại không gây sâu răng thì vừa đảm bảo đủ chất dinh dưỡng vừa phòng ngừa được sâu răng. Để hạn chế tối đa quá trình ăn mòn răng, trẻ cần hạn chế số lượng và số lần uống nước có ga.
Tóm lại, bạn có thể lên ý tưởng ăn vặt cho trẻ các loại thực phẩm như phomat, sữa chua, trứng luộc, bánh sandwich, hoa quả tươi, rau củ nấu chín, ngô luộc, bánh gạo... và kết hợp hướng dẫn trẻ cách chăm sóc răng miệng để phòng tránh sâu răng cho trẻ.
Nguyên Huy
(theo bacsigiadinh.org)
|