Bố mẹ nên để trẻ trải nghiệm thất bại trong cuộc sống. Trẻ có thể học cách ứng phó với thất bại ở những môi trường gần gũi nhất với mình.
Bố mẹ nên để trẻ trải nghiệm thất bại trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ có thể học cách ứng phó với thất bại ở những môi trường gần gũi nhất với mình như khi ở nhà, tại trường học, trong các hoạt động xã hội, thể thao. Đây là cách để trẻ có thể học về sự thất bại thường xuyên và hữu hiệu nhất. Đã có rất nhiều cuộc bàn luận về tác hại của việc bảo bọc con quá mức. Nhưng điều ít ai quan tâm là khi bố mẹ không cho cậu ấm, cô chiêu có cơ hội làm quen với hậu quả của thất bại, chúng sẽ sợ gặp phải các trở ngại tâm lý trong tương lai. Đây là một rào cản rất lớn cho trẻ khi học tập và sinh hoạt hàng ngày trong nhóm và cộng đồng. Vậy phải làm sao để cho trẻ “nếm mùi” thất bại một cách an toàn nhất?
Thất bại ở nhà
Tư tưởng và cách nhìn nhận rất quan trọng đối với khả năng hứng chịu thất bại. Ngay từ khi trẻ ở với gia đình, hãy giúp bé hình thành một cái nhìn khả quan với các công việc trong cuộc sống. Thay vì đặt nặng tầm quan trọng của kết quả, hãy giúp bé học cách trân trọng những kinh nghiệm và cảm xúc mình học được khi phải nỗ lực hoàn tất công việc.
Như thế, dù có thất bại, các bé sẽ không nản lòng mà lại sẵn sàng ứng dụng những kinh nghiệm mình đã học được để thử lại lần nữa. Để giúp trẻ hình thành cái nhìn khả quan này, các thành viên trong gia đình cũng phải ứng dụng lên chính mình để làm gương cho bé.
Bố mẹ có thể cùng bé đặt ra các mục tiêu hàng tháng, trong đó bao gồm cả những mục tiêu có vẻ khó khăn và dễ thất bại. Nhìn thấy cách bố mẹ phản ứng tích cực với thất bại, bé cũng sẽ tập lm theo, dù là ở những môi trường khác.
Sai lầm ở trường
Lấy tư tưởng khách quan đó ứng dụng cho trường học, ta sẽ tiếp tục giúp bé thích ứng tốt hơn với thất bại. Tư tưởng giáo dục học sinh phổ biến của nước ta thường hay đưa điểm số lên hàng đầu, điều này rất nguy hiểm. Điểm số không phải là thang đo chính xác nhất cho khả năng học tập của trẻ.
Kiến thức cần nhất mà trẻ có thể học được từ trường lớp là cách học sao cho hiệu quả, chứ không phải cách để đạt điểm cao. Đừng biểu dương điểm số mà hãy giúp trẻ đặt ra các mục tiêu phấn đấu và khen thưởng nỗ lực của bé, dù thành công hay thất bại.
Đối với bài vở về nhà, bố mẹ không cần phải ngồi bên cạnh phụ giúp trẻ, chỉ cần cho bé biết bố mẹ sẵn sàng hỗ trợ con. Nhưng cùng lúc, bố mẹ cũng phải khuyến khích trẻ cố gắng hết mình trong học tập, dù bé có đạt điểm số cao hay không.
Thay vì luôn can thiệp để giúp trẻ giải quyết các khúc mắc với thầy cô và bạn bè, bố mẹ nên giúp bé tự mình đối đầu với các vấn đề khi ở trường lớp. Như thế, trẻ sẽ tự thấy được hậu quả của những sai lầm mà mình mắc phải, rồi học được cách nói xin lỗi và tìm cách sửa chữa.
Trở ngại trong xã hội
Tương tự, bố mẹ có thể giúp bé áp dụng cách tiếp cận với thất bại và trở ngại như trên với các hoạt động khác trong cuộc sống. Ngay cả trong các trò chơi, thể thao, bố mẹ cũng không nên thúc ép trẻ phải thành công, mà hãy cổ vũ để bé có thể hưởng thụ trọn vẹn niềm vui mà các hoạt động này đem lại.
Dĩ nhiên, đôi khi trẻ cũng sẽ tiếp cận những bộ môn, chủ đề không thích hợp với bé. Khi đó, bố mẹ cần biết để khuyến khích trẻ tìm đến các bộ môn khác. Một đứa trẻ thất bại ở thể thao có thể tiếp tục thử tài của mình ở các bộ môn nghệ thuật.
Đôi khi, bố mẹ hãy để cho trẻ đưa ra các quyết định sai lầm, để rồi sau đó cho bé thấy hậu quả của việc làm sai lầm đó. Ở mặt khác, hãy để bé tự đánh giá sự thất bại của những người xung quanh mình.
Khi trẻ thấy bạn bè hay những người lớn khác phản ứng tiêu cực với thất bại, như giận dữ, bực tức, dẫn đến làm hỏng việc, bố mẹ đừng chỉ ra điều đó, hãy để bé tự đưa ra ý kiến của mình về thái độ này.
“Thất bại” là một từ đi song song với lỗi lầm, sự chán chường, thất vọng và những cảm xúc tiêu cực. Mong rằng bố mẹ có thể giúp trẻ tránh khỏi khái niệm xấu này của “thất bại”. Nếu được như thế, bé có thể tiếp tục phát triển các kỹ năng chấp nhận những ý kiến phê bình tích cực, học cách chấp nhận điểm yếu của mình và tiếp tục cố gắng.
Những kỹ năng này rất cần thiết để trẻ rèn luyện tính bền bỉ và biết cách tự thích ứng với các tình huống trong tương lai. Ngày mai, khi cha mẹ tiễn trẻ ra khỏi cửa và bước vào cuộc sống, đừng chúc bé thành công, hãy chúc bé học từ thất bại.