Những con số về rác thải nhựa…
Từ lâu nay, các sản phẩm từ nhựa và nilon đã trở nên phổ biến trong cuộc sống của con người, tuy nhiên, việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả không nhỏ đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh thái. Theo các nhà khoa học, để có thể phân hủy một ống hút nhựa, thường phải mất từ 100-500 năm, đối với các chai nhựa, phải mất từ trên 450 đến 1000 năm mới có thể phân hủy hoàn toàn, thậm chí, 500-1000 năm mới có thể phân hủy một túi nhựa dày. Các nhà khoa học dự báo, đến năm 2050 khối lượng rác nhựa ở các đại dương, sẽ nặng hơn cả khối lượng của cá.
Ở Inđônêxia, 28% tổng số cá thể cá và 55% loài động vật biển được lấy mẫu có rác thải nhựa trong dạ dày và đường ruột, tại Mỹ, rác thải nhựa được tìm thấy trong 25% cá thể cá và 67% các loài động vật biển được lấy mẫu. Các hạt nhựa nhân tạo cũng được tìm thấy trong 33% mẫu cá thể động vật có vỏ (tôm, cua, sò, ốc…). Các hạt nhựa có thể bị các sinh vật biển nuốt vào và nhiều khả năng con người có thể sẽ bị nhiễm độc do ăn các loài sinh vật này. Theo viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) cho thấy mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa. Nhựa cũng dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 – 800oC và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể của con người.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng chất thải rắn thải ra, tương đương gần 2.500 tấn/ngày. Đây được coi là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng". Rác thải nhựa đang là vấn nạn môi trường nhức nhối của thế giới và cả Việt Nam. Một thông tin đáng chú ý khi Việt Nam được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới và là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất.
Những hành động của trường ta…
Đứng trước nguy cơ xảy xa thảm họa “ô nhiễm trắng”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào ‘Chống rác thải nhựa’ trên cả nước. Đây là phong trào nhằm kêu gọi tất cả các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội và mỗi người dân, bằng những hành động nhỏ và thiết thực của mình, hãy thay đổi hành vi, thói quen, dừng ngay việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần ngay từ hôm nay và từ phút giây này.
Hưởng ứng phong trào của cả nước, trường mầm non Hoa Sữa đã nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào “Chống rác thải nhựa” tại học đường, đã kịp thời có hành động thiết thực ký cam kết tham gia hưởng ứng phong trào, thường xuyên tuyên truyền qua các bài viết trên mạng xã hội, website của Nhà trường, lồng ghép nội dung chống rác thải nhựa vào nội dung chương trình dạy và học, đặc biệt phổ biến cho giáo viên và trẻ đầu hiểu để đi đến hành động bảo vệ môi trường trong học phần Môi trường và Con người. Nội dung tuyên truyền hướng tới việc sử dụng các vật dụng thay thế cho túi nilon, nhựa và có thể tái chế, tái sử dụng nhiều lần như sử dụng làn mây, túi vải, hộp đựng thực phẩm để đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon, khuyến khích sử dụng các túi dễ phân hủy sinh học hoặc mua các sản phẩm đóng hộp từ thủy tinh…
Trong hoạt động tuyên truyền, nhà trường đã, đang chuyển đổi và thay thế việc sử dụng phông bạt nhựa bằng màn chiếu, màn hình TV. Trong những dịp tổ chức hội thảo, hội nghị, hoặc trong các hoạt động học thường ngày.
Từ nhận thức đến hành động, dù chỉ là những hành động rất nhỏ, nhưng trong tương lai, sẽ mang lại những thay đổi lớn hơn trong nhận thức về sử dụng các sản phẩm từ nhựa và nilon của mọi người. Chúng ta cùng tin rằng những hành động có ý nghĩa đó không chỉ bó hẹp trong trường học, mà sẽ lan tỏa tới từng gia đình của tất cả cán bộ, viên chức, giảng viên và sinh viên Nhà trường và hơn thế, trong tương lai không xa sẽ lan tỏa tới toàn xã hội. Vì một thế giới không còn những ảnh hưởng từ rác thải nhựa, để bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường trong lành, bảo vệ hệ sinh thái, chúng ta hãy chung tay hành động và kiên quyết nói KHÔNG với RÁC THẢI NHỰA!