Như chúng ta đã biết ngôn ngữ luôn có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. “Ngôn ngữ là phương tiện để phát triển tư duy”, là công cụ để giúp phát triển tư duy và là phương tiện để giáo dục tình cảm, thẩm mỹ cho trẻ. Trong giáo dục trẻ mầm non hiện nay, chúng ta càng thấy rõ vai trò của ngôn ngữ đối với việc giúp trẻ trở thành những con người phát triển về mọi mặt: đức, trí, thể, mỹ và hình thành những cơ sở ban đầu của nhân cách con người. Vấn đề phát triển ngôn ngữ một cách có hệ thống cho trẻ ngay từ nhỏ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Rất nhiều phụ huynh khi đưa con tới trường nhập học ở lứa tuổi nhà trẻ thường nói với các cô giáo: Con chưa biết nói cô ạ! Bạn này nói ít lắm! Phải làm sao để con nói được nhiều hơn nữa hả cô?
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phần lớn các bố mẹ đều bận rộn lo toan cho cuộc sống, thời gian bố mẹ trò chuyện với trẻ để phát triển vốn từ còn ít. Một số cha mẹ của trẻ nhận thức về tầm quan trọng của ngôn ngữ còn hạn chế. Do vậy vốn từ của trẻ em ngày nay phát triển chậm và ít, chủ yếu trẻ được tiếp xúc và phát triển ngôn ngữ thông qua ti vi, phim ảnh… chưa được sự chỉ bảo, uốn nắn của người lớn.
Nhận thức được điều đấy, các cô giáo lớp nhà trẻ D2 giúp trẻ phát triển ngôn ngữ nói thông qua các hoạt động như: Giờ đón-trả trẻ ( cô thường tích cực trò chuyện cùng trẻ và yêu cầu trẻ trả lời các câu hỏi của cô rõ ràng, ví dụ: Hôm nay ai đưa con đi học? Gia đình mình gồm những ai?Cuối tuần mình được bố mẹ cho đi đâu?… Cô đọc thơ và kể những câu chuyện dễ nghe cho trẻ, khuyến khích trẻ phát âm và yêu cầu trẻ trả lời một số câu hỏi đơn giản như: Con vừa nghe câu chuyện gì? Trong truyện có nhân vật nào?… Hàng ngày trao đổi cùng bố mẹ của bé về việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Để phối hợp cùng cô giáo trong việc phát triển vốn từ cho trẻ thì bố mẹ hàng ngày dành thời gian thường xuyên trò chuyện cùng trẻ, cho trẻ được tiếp xúc nhiều hơn với các sự vật hiện tượng xung quanh, lắng nghe và trả lời các câu hỏi của trẻ.
Bên cạnh đó còn thông qua giờ học, đối với các giờ học, cô sử dụng đồ dùng trực quan, hệ thống câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn. Trong khi trẻ trả lời cô hướng dẫn trẻ nói đúng từ, đủ câu, không nói cụt lủn hoặc cộc lốc.
Mặt khác khi trẻ vui chơi cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ nói, cô tổ chức cho trẻ chơi nhiều trò chơi khác nhau, sử dụng những loại câu đơn giản (ví dụ: trò chơi bắt chước tiếng kêu của con vật, trò chơi đoán đặc điểm của con vật…). Khi cho trẻ đi dạo, việc phát triển vốn từ của trẻ cũng được chú ý, trẻ được quan sát, trò chuyện về sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên xung quanh trường của mình, trò chuyện về các con vật cây cối trong sân trường, hỏi trẻ: Con nhìn thấy gì? con nhìn thấy con chim đang làm gì? con chim đang ăn gì đấy?...Cô luôn sửa sai câu nói của trẻ ở mọi lúc, mọi nơi để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ mạch lạc.
Việc tạo không khí vui tươi, thoải mái cho trẻ là vô cùng cần thiết, động viên trẻ đi học đều, tạo điều kiện quan tâm đến những trẻ nhút nhát, dành thời gian gần gũi, trò chuyện với trẻ để trẻ mạnh dạn, tự tin tham gia các hoạt động tập thể giúp trẻ được giao tiếp nhiều hơn. Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là điều cần thiết để phát triển ngôn ngữ cho trẻ.
Sau đây là một số hình ảnh hoạt động tập nói của cô và trò lớp nhà trẻ D2: