Để giúp các bé tiếp cận với tác phẩm văn học, cô giáo tái hiện lại tác phẩm văn học bằng cảm nhận của mình, đọc kể diễn cảm tác phẩm. Qua tác phẩm văn học bé có thể học, có thể chơi thông qua các trò chơi đóng kịch, tập làm sách truyện, tập kể chuyện theo nhóm, tập kể chuyện theo tranh… Nào! Chúng mình hãy cùng xem các bé lớp nhà trẻ D1 làm quen với tác phẩm văn học trong một tiết học như thế nào nhé!
Những tác phẩm văn học luôn thuộc về lĩnh vực phát triển ngôn ngữ cho bé và với đề tài: “Thỏ con không vâng lời” các bé lớp D1đã có một tiết học thú vị khi làm quen với tác phẩm văn học. Thông qua tiết học, các bé nhớ được tên truyện, tên các nhân vật trong truyện là: Thỏ mẹ, thỏ con, bươm bướm, bác gấu. Từ đó bé hiểu nội dung và nhớ được một số tình tiết chính của câu chuyện. Tiết học cũng giúp cho các bé lớp nhà trẻ có những kĩ năng như: Nói được từ, câu đơn giản theo hướng dẫn của cô và nghe hiểu, trả lời được các câu hỏi của cô, bé biết tập trung chú ý nghe cô kể truyện. Tiết học bắt đầu với tiếng nhạc và lời hát vui nhộn của bài hát: ”Chú thỏ con”. Sau đó cô giáo đã dẫn dắt câu chuyện bằng một tình huống về một bạn nhỏ mẹ dặn không được đi chơi xa, nhưng bạn thỏ không nghe lời mẹ nên đã bị lạc, may gặp được bác gấu đã dẫn thỏ con về nhà. Bạn ấy đã rất thông minh khi biết lấy một chiếc lá to làm ô che đầu, biết giúp đỡ và chia sẻ với bạn khác nữa. Để biết bạn nhỏ đó là ai chúng mình cùng lắng nghe câu chuyện” Thỏ con không vâng lời”. Trong tiếng nhạc không lời nhè nhẹ, các bé xúm xít bên cô và cùng lắng nghe cô giáo kể câu chuyện, dường như trí tưởng tượng của trẻ đã bắt đầu từ đây bởi câu truyện rất hay và có tình tiết rất hấp dẫn. Để tăng thêm phần cuốn hút cho bài học cô kể chuyện cho bé nghe kết hợp với động tác, điệu bộ, cử chỉ minh họa cho các nhân vật trong truyện, cách kể chuyện sinh động, ngôn từ nhấn giọng các nhân vật khiến các bé như đang nhập tâm vào nhân vật mình yêu thích. Bên cạnh đó khi kể chuyện cô luyến láy những đoạn đối thoại của các nhân vật, sử dụng đúng giọng điệu cơ bản, ngữ điệu ngắt giọng, nhịp điệu, cường độ âm thanh ngôn ngữ để giúp bé cảm nhận được tính cách, hành động, tâm trạng của các nhân vật trong truyện, từ đó bé biết bộc lộ thái độ, tình cảm của mình trước các nhân vật trong câu chuyện. Sau đó những câu hỏi ngắn và dễ hiểu được cô đưa ra dành cho các bé.( Cô vừa kể câu chuyện gì? Trong chuyện có những nhân vật nào? ). Để bé dễ hiểu hơn cô giáo tóm tắt nội dung truyện. Và với lần kể thứ hai cô kết hợp với sa bàn minh họa trên chiếc ô kì diệu, điều này tạo cho các bé sự hào hứng, chăm chú lắng nghe hơn, sự cuốn hút của câu chuyện được kể lần hai vì thế mà không hề nhàm chán. Cách cô đặt dự đoán cho tình huống tiếp theo của truyện giúp bé dễ hình dung và nhớ lại chi tiết một cách dễ dàng. Trong quá trình bé trả lời câu hỏi, cô kết hợp cùng với một số hành động của các con vật trong truyện khiến các bé vô cùng thích thú, tiết học vì thế cũng trở nên náo nhiệt hơn. Sau phần đàm thoại cô chú ý sửa sai cho bé khi nói, một số bé nói chưa đủ câu hay còn ngọng, khuyến khích bé nói đúng giọng điệu của nhân vật trong truyện. Từ đó giáo dục cho trẻ phải nghe lời mẹ, khi làm sai phải biết xin lỗi. Xen giữa tiết học và để tăng thêm sự hứng thú cho các bé, cô cùng bé vận động và làm động tác của chú thỏ với trò chơi "Chú thỏ con". Đến lần kể thứ ba của cô, các bé đã vô cùng bất ngờ với những nhân vật rối dẹt ngộ nghĩnh, lại còn cả chiếc ô kì diệu nữa, các bé đã có những phút giây mãn nhãn với sự đổi mới về hình thức kể. Tiếng vỗ tay reo hò, tiếng cười sảng khoái thích thú trong giờ học đã cho thấy sự phấn khích, vui vẻ của các bé, bởi đây là một tiết học hay và cô giáo đã chuẩn bị rất kĩ. Tiết học khép lại bằng bài hát "Tròi nắng trời mưa" nhưng dư âm của tiết học vẫn còn đó trong tâm trí của mỗi người dự và đặc biệt là với các bé lớp nhà trẻ. Các bé đã có những phút giây thích thú, được thả mình vào trí tưởng tượng của trẻ thơ với câu chuyện ngập tràn sắc màu và những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đây là lớp học của các bé có độ tuổi nhỏ nhất trong trường nhưng thông qua tiết học cho thấy các bé đã rất thích thú. Sự cảm thụ tác phẩm văn học được biểu lộ bằng những cử chỉ đáng yêu mô phỏng động tác của nhân vật trong truyện, ngôn ngữ nói của các bé khi hăng hái khi dơ tay phát biểu, đó chính là bước khởi đầu cho sự cố gắng của bé khi bắt đầu tập nói ra ngôn ngữ của bản thân mình.
Sau đây là 1 số hình ảnh của các bạn nhỏ lớp d1 tham gia tiết học: