Tiêm vắc xin giúp giảm gánh nặng bệnh tật liên quan đến COVID-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này.
Theo thống kê của Trung tâm tiêm chủng quốc gia, tính đến ngày 31/3/2022 nước ta đã tiêm được 206 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 với 135 đợt tiêm trên toàn quốc. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 cho nhóm người trên 18 tuổi là 100%, mũi 2 là 99%. Với nhóm trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tỷ lệ tương tự là 99% mũi 1 và 94% mũi 2. Đối với các nhóm tuổi này, Bộ Y tế đã thực hiện tiêm liều nhắc lại từ tháng 12/2021. Đến nay, tỷ lệ tiêm liều nhắc lại đạt khoảng 50%, liều bổ sung đạt khoảng 64%. Tính đến ngày 03/4/2022, quận Long Biên đã tiêm 617.042 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, trong đó mũi 1 đạt 99,7%; mũi 2 đạt 99,9%; mũi bổ sung và nhắc lại đạt 83,6%. Tiêm đủ 02 mũi vắc xin cho 100% trẻ từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong đó không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Trên thế giới có hơn 60 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vắc xin tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi cũng tương tự như đối với vắc xin sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Theo các chuyên gia, khi trở lại trường học, việc lây nhiễm COVID-19 của trẻ đã tăng lên do biến chủng Omicron. Mặc dù trẻ ở lứa tuổi này mắc COVID-19 phần lớn đều có mức độ bệnh nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng tới sức khỏe, cha mẹ phải nghỉ việc để chăm sóc, các trẻ liên quan cũng phải nghỉ học để cách ly, tiếp tục học trực tuyến…, tạo ra gánh nặng cho xã hội. Ngoài ra, các số liệu nghiên cứu cũng cho thấy, các biến chứng khi mắc COVID-19 ở nhóm này có ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của trẻ dù không nhiều nhưng cũng đáng lo ngại như biến chứng viêm cơ tim, hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)… Vì vậy, ngày 05/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi. Dự kiến cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ em trong độ tuổi này được tiêm chủng, trẻ em ở nhóm tuổi lớn từ 11 tuổi sẽ tiêm trước sau đó hạ thấp dần.
Hiện nay, vắc xin được dùng để tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi gồm 02 loại là vắc xin Comirnaty của Pfizer BioNTech và vắc xin Spikevax của Moderna
1. Đối tượng, liều lượng, đường tiêm, lịch tiêm:
- Vắc xin Comirnaty của Pfizer BioNTech
+ Đối tượng: Sử dụng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi
+ Liều lượng, đường tiêm: Tiêm bắp, liều 0,2 ml
+ Lịch tiêm: Tiêm 02 mũi cách nhau 3 tuần
- Vắc xin Spikevax của Moderna
+ Đối tượng: Sử dụng cho trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 12 tuổi
+ Liều lượng, đường tiêm: Tiêm bắp, liều 0,25 ml
+ Lịch tiêm: Tiêm 02 mũi cách nhau 4 tuần.
2. Chống chỉ định: Quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin.
3. Phản ứng sau tiêm chủng:
- Rất thường gặp (≥ 1/10): Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt, sưng tại chỗ tiêm. Riêng vắc xin của Moderna có sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: ở cổ, ở trên xương đòn).
- Thường gặp (≥ 1/100 đến <1/10):
+ Vắc xin của Pfizer: buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm.
+ Vắc xin của Moderna: Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm.
- Ít gặp (≥ 1/1.000 đến <1/100): Chóng mặt, nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm.
- Rất hiếm gặp (<1/10.000): Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
- Tần suất không xác định đối với vắc xin của Moderna: Phản vệ, quá mẫn, đau bụng.
4. Theo dõi trẻ sau tiêm chủng:
- Cần theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng ở tại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm chủng.
- Người chăm sóc trẻ cần theo dõi sát 24/24h trong vòng ba ngày đầu sau tiêm do trẻ có thể gặp phản ứng bất lợi vào ban đêm.
-Tránh để trẻ vận động mạnh, luôn chuẩn bị sẵn để tránh tai biến nặng có thể xảy ra.
- Cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi có một trong các biểu hiện sau:
+ Kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng.
+ Đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi…
+ Khó thở khi hoạt động bình thường, khi nằm.
+ Sốt cao khó hạ nhiệt độ, hoặc kéo dài hơn 24h.
+ Vân tím trên da.
+ Phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ.
Tiêm vắc xin giúp giảm gánh nặng bệnh tật liên quan đến COVID-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này. Vì vậy, hãy cho trẻ đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi đến lượt.