Trong Chiến dịch Biên giới, một lần đi gần tới Đông Khê (Cao Bằng), Bác rẽ vào nhà một đồng bào nghỉ ngơi. Một em bé Nùng gánh đôi bảng nước từ dưới suối đi lên trông thấy cụ già quen quá mà không rõ gặp ở đâu rồi.
Em nghĩ chưa ra thì cụ đã tới gần. Giọng cụ ấm áp:
- Cháu gánh có nặng không?
- Ồ! Không nặng đâu!
Em bé vội đáp, ngạc nhiên trước cử chỉ của cụ. Em xốc lại đòn gánh thong thả bước. Cụ già bước theo lên cầu thang. Vào nhà, cụ hỏi em bé:
- Cháu tên là gì?
- Là Phấn.
Cụ già xoa đầu Phấn.
- Pá (bố) đi dân công phải không? Cháu làm việc nhiều quá.
- Pá đi dân công phục vụ chiến dịch. Cháu ở nhà giúp mế (mẹ) gánh nước. Không mệt đâu.
Cụ già lại hỏi:
- Cháu có biết đi dân công để làm gì không?
- Đi dân công để giết Tây.
Phấn trả lời cụ già, rồi kể:
Thằng Tây nó ác hơn ông cọp ông à! Tàu bay nó bắn cháy trường cháu ba lần. Bây giờ trường phải dời vào lũng xa lắm. Nó bắn chết cả Pu, con trưởng thôn.
Cụ già đặt tay lên vai Phấn, đôi mắt hiền từ nhìn Phấn, khẽ nói:
- Bao giờ hết giặc, cháu sẽ không phải vất vả như thế này nữa.
Hai Bác cháu nói chuyện thêm một lát nữa. Rồi Bác nhắc Phấn đi ngủ.
Đêm gần về sáng. Phấn còn đang yên giấc ngủ thì cụ già đã cùng mấy người khác đi. Lúc tỉnh dậy, thấy nhà trống trải, vắng vẻ quá, Phấn bật lên khóc. Nhìn lọ thuốc ho, chiếc khăn quàng cổ cụ già cho, lòng Phấn càng nhớ cụ khôn xiết.
Cho đến lúc ấy, Phấn chưa nhận ra cụ già trọ ở nhà mình là ai? Mãi đến khi Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, bố Phấn đi dân công về nghe chuyện mới quả quyết với con rằng:
- A lúi! Bác Hồ chứ còn ai!
Và hai bố con rất tiếc, nhưng rất sung sướng là Cụ Hồ đã đến ở nhà mình.