Chương V của sách có tiêu đề “Cách lãnh đạo”. Tiết 3 của chương này được Bác đặt tên “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”, trong bài có đoạn Bác nhấn mạnh rằng “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được”. “Dân chúng không ủng hộ, việc gì cũng không nên”. “Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng, thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó. Nếu không vậy, thì dân chúng sẽ không tin chúng ta. Biết, họ cũng không nói. Nói, họ cũng không nói hết lời”.
Đề cập đến đặc điểm rõ nhất trong tư tưởng của dân chúng là họ hay “so sánh”, Bác viết rất cụ thể: “Họ so sánh bây giờ và họ so sánh thời kỳ đã qua. Họ so sánh từng việc và họ so sánh từng bộ phận. Do sự so sánh, họ thấy chỗ khác nhau, họ thấy mối mâu thuẫn. Rồi lại do đó, họ kết luận, họ đề ra cách giải quyết.
Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì sự so sánh kỹ càng đó, mà cách giải quyết của dân chúng bao giờ cũng gọn gàng, hợp lý, công bình, “Dân chủ cũng do cách so sánh mà họ biết rõ ràng (cán bộ)…”.
Bác còn dặn: “Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau, cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”.
Và Bác Hồ dạy cán bộ cũng phải biết so sánh. “So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công”.
“So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học”. Cuối cùng Bác Hồ căn dặn và mong muốn: “Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm”.
Bác kết luận: Cán bộ là “Trung tâm của vấn đề”, rường cột của tổ chức, “cán bộ quyết định tất cả”. Cần phải “so sánh lại” để chọn đúng cán bộ cần cho Đảng, cho quân đội. “Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”.