Ngày ấy vợ Vua Hùng mang thai đã lâu, tới ngày sinh nở, đau bụng mãi mà không sinh được. Có một người hầu gái tâu rằng: Có một người con gái đẹp tên là Quế Hoa, múa giỏi hát hay, ở trong một làng tre xanh gần thành Phong Châu. Nếu đón nàng về múa hát có thể làm cho đỡ đau và sinh nở được. Vợ vua nghe lời, Quế Hoa vâng theo lời triệu đến chầu vợ Vua. Bấy giờ bà đang lên cơn đau dữ dội. Quế Hoa đứng bên giường múa hát. Nàng đẹp lắm: môi đỏ, mắt đen, tóc dài, da trắng, giọng hát trong vắt khi trầm, khi bổng như chim ca, suối chảy, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, chân dẻo như bún, ai cũng phải mê. Vợ Vua Hùng mải xem múa hát, không thấy đau nữa liền sinh được ba người con trai khôi ngô, tuấn tú. Vua hết sức vui mừng và khen ngợi Quế Hoa, liền truyền cho các Mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy. Vì lúc này nàng Quế Hoa hát chầu Vợ Vua là vào mùa xuân nên các Mỵ nương gọi hát ấy là hát Xuân (hay hát Xoan)". Sự tích hát Xoan còn được ghi lại trong chuyện kể nối đời của dân làng Cao Mại - Việt Trì với một vài chi tiết khác. Tuy nhiên, thông qua những truyền thuyết này, chúng ta cũng có thể hình dung được phần nào sinh hoạt múa hát đầu xuân của tổ tiên ta. Những "Sinh hoạt văn hoá cơ sở" ấy qua thời gian và sáng tạo, nhận thức thẩm mỹ của con người đã được trau chuốt thêm, làm giàu thêm để ngày hôm nay có được một làn điệu dân ca mà cả nước biết đến.