!important; Bánh trôi, bánh chay là món ăn không thể thiếu đối với người Việt trong ngày Tết Hàn thực. Dưới đây là cách làm các loại bánh này theo sự hướng dẫn của nghệ nhân ẩm thực.
Vào
Tết Hàn thực (3/3 âm lịch) hàng năm, người dân thường dâng bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành với tổ tiên, cầu mong một năm an lành, mưa thuận gió hòa.
Cuộc sống bận rộn, nhiều người chọn cách mua sẵn các loại bánh này ở chợ, siêu thị, cửa hàng… nhưng cũng có nhiều gia đình tự mua nguyên liệu về để chế biến.
Tự tay làm bánh không chỉ bày tỏ lòng thành tâm, tăng tinh thần đoàn kết mà còn giúp các con trong gia đình hiểu hơn về văn hóa, phong tục của người Việt.
Đặc trưng chủ yếu của Tết Hàn thực là làm bánh trôi, bánh chay, ngày xưa các cụ có thêm bánh nhót (hình quả nhót). Để làm được bánh chay, bánh trôi rất đơn giản. Nhưng để làm ngon đòi hỏi sự cầu kỳ và công phu trong cách chế biến.
Trước tiên, nguyên liệu làm bánh trôi, bánh chay phải là loại nếp cái hoa vàng dẻo, thơm. Ta ngâm, để ráo nước rồi mang đi xay thành bột. Cứ chín phần nếp cho một phần tẻ hoặc non hai phần tẻ.
Sau khi xay mịn, chúng ta lấy túi vải phin bọc lại, treo lên 1 ngày, nước sẽ chảy xuống hết, lúc đó là còn lại bột.
Nhân bánh trôi bằng đường phên. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê, những miếng đường vuông thành, sắc cạnh, đỏ thắm, rắn đanh và giòn, hương thơm mát.
Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, chúng ta vớt ra và ngâm trong nước lã đun sôi để nguội cho săn trở lại, rồi vớt ra bày vào đĩa. Đĩa bánh trôi được rắc thêm mấy hạt vừng trắng rang thơm.
Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh còn vỏ, đặc biệt là phải xanh loại đậu xanh xanh lòng. Như vậy nhân mới ngon và thơm, ít hạt hỏng.
Đậu để làm nhân bánh là giống đỗ tiêu, hạt nhỏ, thơm; được hấp chín tới, giã mịn, trộn với đường kính trắng.
Ngâm đậu xanh, đãi vỏ, ráo nước thì cho vào đồ. Khi đồ phải to lửa, đậu mới bở và mềm. Sau đó, người làm bắt đầu giã, xào với đường. Dừa thì chọn loại dừa già, bào nhỏ, xào lẫn với đậu xanh, ta cho vani vào trộn.
Khi nặn bánh chay, lưu ý công thức 2 phần vỏ, 1 phần nhân. Cuối cùng chúng ta mang đi luộc. Vớt ra, chúng ta cho vào nước sôi để nguội, cuối cùng là vớt bánh chay ra đựng trong bát.
Bao giờ cho bánh chay vào bát ta cũng phải lấy ngón tay cái, ấn vào bát một cái, tạo thành vết lõm. Công đoạn cuối là chan thêm một chút chè đường quấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Đặc biệt, với ẩm thực của người Hà Nội xưa, vào mỗi độ tháng 3 là mùa hoa bưởi, nên khi làm bánh chay cho Tết Hàn thực thì nhất định phải có hoa bưởi với bột sắn.
Sản phẩm hoàn thiện là khi ăn phải có vị ngọt thanh, mùi thơm, mùi mát của hoa bưởi.
"Như người Hà Nội xưa, Tết Hàn Thực là phải có bánh trôi, bánh chay. Tuy nhiên, bánh trôi, bánh chay Tết Hàn thực khác với bánh trôi, bánh chay của ngày mùng 5/5 âm lịch (Tết diệt sâu bọ).
Vì chỉ có tháng 3 mới có hoa bưởi, nên bánh trôi, bánh chay của Tết Hàn thực có ướp hoa bưởi, còn của ngày 5/5 sẽ không có.
Dâng bánh trôi, bánh chay lên ban thờ tổ tiên, bày tỏ lòng thành, cầu mong sự yên bình và cũng là tưởng nhớ đến những người đã khuất.