Giáo dục sớm dẫn đến những tật bệnh khi lớn lên
Trong suốt thời gian hội thảo 5 ngày diễn ra tại trường Mầm non Cây
Bàng (SeaAlmond Waldorf-inspired School), một ngôi trường mầm non theo
phương pháp Waldorf, Giáo sư Christoph Jaffke, một trong những chuyên
gia hàng đầu của giáo dục Waldorf trên thế giới nhắc đi nhắc lại rằng:
Nếu chúng ta bắt trẻ phải học quá nhiều khi tuổi còn bé, trẻ vẫn học
được thôi, vì lúc đó trẻ như một cái chén rỗng có thể tiếp nhận rất
nhiều nước, nhưng do điều đó đi ngược lại với sự vận hành tự nhiên của
hoạt động não bộ, trẻ sẽ phải chịu hậu quả trước hết về mặt cơ địa
(loãng xương dẫn đến gãy tay chân, đau yếu gan thận, dạ dày, tim
mạch...) trong quá trình lớn lên và hậu quả của sự ức chế thần kinh kéo
dài, dẫn đến các chứng bệnh về tâm lý.
Giáo sư Christoph trong một buổi dạy thử tiếng Anh theo phương pháp Waldorf cho trẻ Hà Nội tại Mầm non Cây Bàng.
“Sự thể bắt đầu trở nên tồi tệ khi Nga đưa Neil Amstrong lên mặt
trăng, người Mỹ bắt đầu cuống cuồng sợ sệt và đưa vào chương trình học
của trẻ những kiến thức khoa học trừu tượng từ rất sớm. Từ đó đến nay,
không chỉ có Mỹ, toàn Châu Âu và dần lan sang các châu lục khác, người
ta giáo dục sớm cho trẻ mà không lường được hết hậu quả.
Con của họ có thể có được một nghề nghiệp lương cao, nhưng lại sớm
trở nên chán ghét công việc, chán ghét bản thân, trầm cảm, mất hết lẽ
sống hay đơn giản hơn, những con người có vẻ thành đạt đó không có một
ngày cảm thấy hạnh phúc và vì thế cũng khó có được tình yêu đẹp và một
gia đình êm ấm. Chúng ta đã đánh đổi kiến thức để được cái gì?”, Giáo sư
Jaffke nói.
Để được những con người lo hãi suốt ngày như Thiền sư Thích Nhất Hạnh
nói trong cuốn sách Trái tim của Bụt: “Thời đại của chúng ta là thời
đại trong đó mọi người có nhiều lo lắng và sợ hãi. Chúng ta đã được đào
tạo và huấn luyện để sống trong lo lắng... Người nào cũng tên là Nguyễn
Thị Lo và Nguyễn Văn Sợ”.
Giáo dục Waldorf chủ trương chỉ dùng những
đồ chơi được làm từ thiên nhiên và tận dụng những vật dụng xung quanh
để kích thích sự sáng tạo của trẻ.
Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hợp Quốc đưa “Quyền được chơi” vào
quyền căn bản phải được bảo vệ cho trẻ em. Trong khi các bậc phụ huynh
nghĩ rằng mình đang hết lòng để trang bị cho con những kĩ năng cần thiết
để sống sót, thực ra chúng ta đang không chỉ giết đi tuổi thơ của con,
mà còn khiến cho chúng khi lớn lên không sống sót nổi, hoặc sống sót một
cách bệnh tật. Bởi những gì cha mẹ đang cố nhồi nhét cho con mình, chỉ
là những kĩ năng và kiến thức để sau này có thể kiếm được nhiều tiền.
Trong khi cuộc sống này thì lại không chỉ cần có mỗi tiền. Từ tận sâu
trong tâm hồn mỗi con người, ai cũng mưu cầu được hạnh phúc.
Tiến sỹ Cung Khắc Lược mừng tuổi cho trẻ theo phong tục gõ cửa sau giao thừa trong Lễ hội Tết xửa Tết xưa tại mầm non Cây Bàng
Trẻ ở lứa tuổi mầm non cần được giáo dục gì?
Vậy chúng ta có thể trang bị cho trẻ cái gì để trẻ lớn lên vẫn có đầy đủ các kĩ năng để làm việc và hạnh phúc với cuộc đời?
Nền giáo dục Waldorf được dựa trên triết học giáo dục của Rudorf
Steiner, hệ thống triết học giáo dục được thiết lập dựa trên sự hiểu
biết về con người (Anthroposophy). Từ những hiểu biết về con người này,
Steiner đã xây dựng lên một chương trình đầy đủ chi tiết cho từng giai
đoạn để phát huy được tối đa khả năng của một đứa trẻ.
Giáo dục Waldorf đặc biệt nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng, phát
triển suy nghĩ bao gồm những yếu tố sáng tạo cũng như phân tích, cân
bằng mọi sự phát triển trong con người chứ không chỉ riêng trí não. Cũng
chính vì thế, Waldorf không khuyến khích trẻ sẻ dụng những thiết bị
điện tử hay tivi trong những năm đầu đời để không bị những thứ được định
hình sẵn làm thui chột trí tưởng tượng.
Mục tiêu của Waldorf là giáo dục lên một con người trưởng thành có
đầy đủ những kĩ năng, kiến thức, giá trị nội tâm mạnh mẽ, một con người
hài hòa và cân bằng trong cảm xúc để được tự do lựa chọn tương lai, tự
tin và bền bỉ theo đuổi đến cùng những gì mình đã chọn.
Ở độ tuổi mầm non, trẻ học thông qua việc bắt chước, tiếp nhận mọi
thứ từ môi trường xung quanh. Việc giáo dục thời kỳ này đặc biệt nhấn
mạnh việc học thông qua các hoạt động thực tế, do đó, những hoạt động
thủ công, có tính xúc chạm trực tiếp, các hoạt động chân tay... như gieo
hạt, tưới cây, hái quả, làm bánh, tham gia giặt đồ hoặc rửa bát cùng cô
giáo... là rất cần thiết, cũng là để trẻ học được lòng kiên nhẫn, sự
khiêm nhường, thấu hiểu và yêu thương người khác.
Cùng lúc đó, trẻ có thể hiểu được sự vận hành của sự vật xung quanh,
ví như muốn có một đĩa rau, không chỉ có thể bỏ tiền mua là đủ, nó còn
có sự vất vả của những người ngày đêm vun xới, còn có ánh nắng mặt trời,
có nước ngầm chảy âm thầm dưới chân, để trẻ biết quý trọng khi ăn một
miếng và thấy biết ơn cả những điều không thể nhìn được bằng mắt.
Giáo dục Waldorf rất chú trọng phát triển
12 giác quan nên màu sắc và sự bài trí trong trường phải được tuân theo
cách bước phát triển não bộ.
Trong Waldorf, trẻ sẽ được phát triển ngôn ngữ thông qua những bài
hát hoặc các trò chơi vận động hay giờ kể truyện trong ánh nến lung linh
trước khi đi ngủ trưa.
Một điều quan trọng nữa phụ huynh cần phải hiểu đó là trẻ từ 0 - 7
tuổi là tuổi mộng mơ thần tiên. Rất cần thiết phải giữ cho trẻ được sống
cân bằng êm dịu trong lứa tuổi này với nhịp điệu đều đặn và an toàn.
Trẻ học tại mầm non Waldorf sẽ mở đầu một ngày mới bằng bài hát, thơ
sinh hoạt vòng tròn, trải qua các hoạt động thủ công như nặn sáp ong,
chơi tự do, ăn uống, trẻ sẽ được vẽ bằng nhiều chất liệu, đặc biệt là vẽ
màu nước trên giấy ướt và nghe kể truyện trong ánh nến, để trẻ có thể
mang vào giấc ngủ trưa những giấc mơ thần tiên.
Một sinh nhật của trẻ tại Mầm non Cây
Bàng. Với Waldorf, sinh nhật trẻ là một ngày thiêng liêng và trẻ nào
cũng là đặc biệt và duy nhất.
Và tất thảy các thầy cô giáo Waldorf đều nuôi nấng học sinh với những tiêu chí căn bản sau:
• Giáo dục không dựa vào thành tích
• Không đánh giá con người qua sự thành công, địa vị hay tiền bạc
• Không áp đặt uy quyền, không thưởng phạt
• Không phán xét
• Nuôi nấng trí tưởng tượng
Thầy Bernardus Nijhuis trong buổi hướng dẫn giáo viên và phụ huynh vẽ chữa lành tại Mầm non Cây Bàng.
Các bậc phụ huynh thường hiểu lầm rằng tuổi mầm non chỉ cần ăn với
ngủ đầy đủ là được. Tuy nhiên, không chỉ có các nghiên cứu của Waldorf,
các ngành khoa học tâm lý, triết học, phân tâm học, y học... cũng đều
thống nhất rằng 7 năm đầu đời là thời gian hình thành nhân cách cho trẻ,
cũng là khoảng thời gian dễ tổn thương nhất nhưng cũng là thời gian dễ
chữa lành nhất.
Cũng chính vì thế mà giáo viên mầm non của Waldorf không chỉ là những
cô trông trẻ. Một giáo viên mầm non Waldorf thường phải là một nhà tâm
lý, một chuyên gia chữa lành, một người có thể sáng tác thơ, nhạc, các
bài sinh hoạt vòng tròn hay những câu truyện kể, truyện để chữa lành.
Giáo viên và học sinh Mầm non Cây Bàng trong giờ chơi tự do ngoài trời.
“Với Waldorf, trẻ được làm bất cứ điều gì không phải chỉ để làm, mà
là để rèn luyện một đức tính, kĩ năng gì đó và là để chữa lành những vết
thương tâm hồn thậm chí đã có thể có từ khi còn trong bụng mẹ.”, chuyên
gia hội họa nổi tiếng của Waldorf thế giới Bernardus Nijhuis nói trong
chuyến thăm trường Mầm non Cây Bàng.
Trẻ tại Mầm non Cây Bàng tự học được qua trải nghiệm chứ không phải qua giảng giải bằng ngôn ngữ trừu tượng.
Mặc dù trong tình hình thế giới vẫn đang điên đảo về những cạnh tranh
vật chất, rất nhiều phụ huynh ở khắp nơi thế giới, thậm chí thung lũng
Silicon, Hoa Kỳ cho con theo học các trường Waldorf. Hệ thống các trường
giáo dục sớm khắp nơi cũng đã nhận ra sai lầm của mình và bắt đầu dần
thay đổi theo hướng của Waldorf. Giáo dục Waldorf, đáng mừng thay lại là
câu trả lời cho những thế hệ người trầm cảm hiện nay.