Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Bệnh cúm xảy ra hàng năm, thuờng gặp nhiều vào mùa đông xuân ở những nơi có khí hậu lạnh
Vài nét về cúm mùa
Ở các nước châu Âu, cúm là bệnh nhiễm trùng thường gặp thứ hai ở trẻ em. Tại Việt Nam, bệnh cúm chưa thật sự được quan tâm đúng mức vì nhiều phụ huynh còn xem cúm là cảm lạnh thông thường. Các chủng virus gây bệnh cúm mùa thường gặp ở nước ta là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Mức độ nguy hiểm của cúm mùa
Bệnh cúm mùa thường diễn tiến lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng gây viêm phổi nặng, suy hô hấp và thậm chí tử vong. Biến chứng nặng thường gặp ở trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi), những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai.
Các triệu chứng thường gặp
Bệnh cúm dễ bị nhầm với cảm lạnh thông thường bởi các triệu chứng tương tự nhau như sốt, ho, đau họng, sổ mũi/nghẹt mũi, mắt đổ ghèn, đau đầu. Tuy nhiên các triệu chứng của cúm thường nghiêm trọng hơn và có kèm các cơn ớn lạnh, sốt cao và gây mệt mỏi. Khi có các triệu chứng nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế để có chẩn đoán chính xác và phương pháp điều trị phù hợp.
Để giúp trẻ khỏe mạnh và tránh được cúm mùa cũng như các biến chứng có thể gặp, phụ huynh cần thực hiện
BA BƯỚC PHÒNG NGỪA
Bước 1: Tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm
Vắc xin được biết đến là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Ngay cả khi vắc xin không hoàn toàn dự phòng được bệnh cúm cho trẻ, mũi tiêm vẫn có tác dụng làm giảm độ nặng của bệnh và phòng ngừa các biến chứng. Việc phụ huynh cho trẻ tiêm nhắc vắc xin cúm hàng năm sẽ gúp trẻ được cập nhật các chủng virus cúm lưu hành của năm đó, từ đó trẻ được bảo vệ một cách đầy đủ và tốt nhất.
Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến cáo trẻ em dưới 5 tuổi nên tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm. Tại Việt Nam, cúm mùa xảy ra quanh năm và thường có 2-3 đỉnh dịch mỗi năm. Do đó, Bộ Y tế Việt Nam đã ra quyết định 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011 khuyến cáo người dân nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm. Trong đó, các nhóm nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng là: Nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…) và người già trên 65 tuổi.
Trẻ em dưới 6 tháng tuổi có sức đề kháng kém, dễ trở nặng nếu mắc cúm. Tuy nhiên, vắc xin cúm chưa được chỉ định đối với tuổi này. Do vậy, phụ huynh và người chăm sóc trẻ nhỏ cần tiêm vắc xin để bảo vệ trẻ một cách gián tiếp.
Bước 2: Phòng ngừa trong sinh hoạt hàng ngày
Cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm là tiêm chủng. Tuy nhiên, những thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp phòng ngừa bệnh cúm lây lan. Các thói quen này cần được áp dụng cho cả trẻ em và người lớn.
Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Trẻ có bệnh cúm mà không có chỉ định nhập viện cần được cách ly tại nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.
Che mũi và miệng với khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và cho khăn vào thùng rác ngay. Nếu không có khăn giấy, chúng ta có thể dùng cánh tay và khuỷu tay để che miệng và không được dùng bàn tay để che miệng vì có thể làm lây lan virus sang các bề mặt, vật dụng.
Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng. Nếu không có nước và xà phòng, có thể dùng các dung dịch rửa tay nhanh có chứa lượng cồn trên 60 độ
Tránh chạm bàn tay vào mắt, mũi, miệng để tránh lây lan virus
Rửa và sát trùng các bề mặt vật dụng có khả năng bị lây nhiễm virus bằng cồn 70 độ
Bước 3: Điều trị thuốc khi có chỉ định
Chỉ định thuốc điều trị cúm sẽ được thực hiện đối với trẻ em được nhập viện. Việc điều trị bằng thuốc sẽ làm giảm triệu chứng, rút ngắn thời gian nằm viện và phòng ngừa biến chứng. Đây chính là phương pháp gián tiếp tránh được nguy cơ lây lan cho cộng đồng. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc nhằm dự phòng bệnh cúm lây lan.
Cúm không phải là một bệnh nhẹ và lành tính đối với trẻ em. Vắc xin cúm là một vắc xin an toàn và hiệu quả cao. Phụ huynh hãy cho bé tiêm ngừa để phòng bệnh một cách chủ động và từ những bước cơ bản nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu 80% trẻ em được tiêm ngừa cúm, sẽ có đến 61% người dân trong cộng đồng được bảo vệ. Hãy tiêm ngừa cúm vì sự khỏe mạnh của trẻ và của cả cộng đồng.