Điểm thuận lợi của gia đình đó là giáo dục chủ yếu bằng tình yêu thương giữa các thành viên dành cho nhau, đặc biệt là của cha mẹ dành cho con cái. Quá trình giáo dục đó diễn ra thường xuyên, lâu dài, liên tục, tác động vào mọi ngõ ngách, góc cạnh của quá trình hình thành, phát triển nhân cách của mỗi con người. Việc giáo dục của gia đình mang tính cá thể hóa rất cao. Cha mẹ là người gần gũi và hiểu rõ đặc điểm tâm lý của từng đứa trẻ. Vì thế, cách tác động cũng rất linh hoạt và sinh động. Để giáo dục con trẻ phát triển toàn diện nhân cách của mình, gia đình cần quan tâm các nội dung giáo dục chủ yếu sau:
Giáo dục đạo đức và văn hóa gia đình: Giáo dục đạo đức và văn hóa trong gia đình là giáo dục cho con trẻ những điều hay lẽ phải của chuẩn mực đạo đức và nền văn hóa truyền thống của dân tộc, lối sống lành mạnh để hình thành, bồi dưỡng cho các thành viên trong gia đình, dòng họ các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó là tình yêu thương, lòng kính trọng dành cho ông bà, cha mẹ và các thành viên họ hàng ruột thịt. Từ đó giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, dân tộc, trân trọng phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, biết yêu thương mọi người.
Giáo dục lao động: Gia đình chính là cái nôi hình thành nên các phẩm chất và năng lực lao động cơ bản của con người. Trẻ thật sự biết lao động chính là bắt đầu biết làm những việc nhỏ nhặt trong nhà như dọn đồ chơi, quét nhà, nhặt rau, xếp áo quần… Vì thế, khi trẻ lên 3, cha mẹ hãy tạo điều kiện và cơ hội để trẻ được làm việc. Vợ chồng, con cái đều phải tham gia lao động, làm việc nhà, chia sẻ công việc, phát triển kinh tế tùy theo sức khỏe, điều kiện của mỗi người. Khuyến khích, hướng dẫn con cái biết giúp đỡ cha mẹ, ông bà với nguyên tắc “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Nhận biết khả năng, sở thích của con cái để có sự hướng nghiệp đúng đắn cho con cái. Giáo dục trẻ biết yêu lao động là cơ sở để hình thành các phẩm chất đạo đức giá trị khác như sống có trách nhiệm, biết tôn trọng công sức lao động của mọi người, quý những thành quả lao động. Trẻ nhận thức được giá trị của đồng tiền, của cuộc sống.
Giáo dục phát triển trí tuệ: Giáo dục gia đình là có nhiều điều kiện thuận lợi để góp phần vào việc phát triển các phẩm chất và năng lực trí tuệ của trẻ em. Gia đình cần thường xuyên quan tâm đến việc học tập của con cháu; cần tạo điều kiện tối thiểu để con cháu học tập như: nơi học yên tĩnh, đủ ánh sáng, có bàn ghế ngồi học. Thường xuyên trao đổi, thảo luận bồi dưỡng, cung cấp, bổ sung những kiến thức bổ ích cho con cái và cho tất cả các thành viên trong gia đình. Gia đình thường xuyên giáo dục về bình đẳng giới; sức khỏe sinh sản, giới tính. Giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên và tiền hôn nhân... giúp con cháu có thêm kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc sống để tránh cho con cháu không mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết.
Giáo dục thể lực toàn diện: Giáo dục sức khỏe, không ngừng nâng cao thể lực cho các thành viên trong gia đình là điều rất quan trọng. Hình thành thói quen tập thể dục, thể thao cho mỗi thành viên, trước hết cha mẹ phải làm gương trong gia đình. Hướng dẫn và tổ chức cho các thành viên trong gia đình biết giữ gìn và nâng cao sức khỏe bằng cách ăn uống theo khoa học, giữ vệ sinh cá nhân, nghỉ ngơi hợp lý. Giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và môi trường xung quanh ở khu dân cư. Có những kế hoạch luyện tập thể dục thể thao cho cả nhà. Tạo điều kiện cho trẻ được tập võ, tập bơi, đạp xe hay đi bộ để rèn thêm thể lực
Giáo dục thẩm mỹ: Thế giới xung quanh có bao nhiêu điều thú vị và tốt đẹp. Nếu như ở nhà trường, việc giáo dục thẩm mỹ mang nặng lý thuyết, thì giáo dục gia đình sẽ bù đắp phần khuyết thiếu trong nhân cách trẻ. Ở nhà trẻ có cơ hội để thể hiện niềm yêu thích hội họa, âm nhạc… Cha mẹ hướng dẫn trẻ khả năng cảm nhận, thưởng thức những điều lý thú qua những bức tranh, bản nhạc, bài ca. Qua những lần đi tham quan, du lịch, cha mẹ hãy làm giàu vốn sống của trẻ bằng những cách sống đẹp, tử tế mà trẻ được chứng kiến.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, gia đình nên áp dụng các phương pháp giáo dục gia đình vừa mềm mỏng vừa cứng rắn sau: Quan trọng nhất là phương pháp thuyết phục để trẻ thấu hiểu các chuẩn mực và làm theo một cách tự giác. Động viên, khuyến khích kịp thời bất kỳ thành viên nào trong gia đình khi có những thành công, việc làm tốt, dù đó là việc nhỏ. Khen thưởng, nhắc nhở, phê bình đúng người, đúng việc, không phân biệt đó là con trai hay con gái. Bố mẹ cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thường xuyên kiểm tra quá trình học tập của con cái, để nắm bắt tình hình học tập cũng như sự tiến bộ của con.