Ở Việt Nam Tết Hàn thực mang ý nghĩa dân tộc sâu sắc.Tết Hàn thực mang
màu sắc dân tộc riêng và được lưu giữ qua bao đời trong quá trình dựng nước và
giữ nước. Ngày này, các gia đình làm bánh trôi bánh chay cúng ông bà, tổ tiên
và không kiêng đốt lửa.
Hai thứ bánh trôi và bánh chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi
nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi,
khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới, rắc chút vừng rang thơm, vài sợi
dừa tươi. Còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn
đổ nước đường lên trên. Thêm một chút đỗ xanh đã đồ chín rắc lên trên...Tết Hàn
thực của người Việt với những món ăn làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa
con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội. Và cũng trong dịp này, dù ai đi đâu,
ở đâu đến ngày mùng 3-3 âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được đi tảo mộ,
để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình.
Món ăn giản dị và mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc đã giáo
dục các con ý thức hướng về nguồn cội, tình yêu thương đối với ông bà, cha mẹ.
Tất cả các con đều vô cùng háo hức và hứng thú khi nhìn thấy những
nguyên liệu để mình chuẩn bị làm bánh trôi. Trẻ bắt đầu lấy bột xoay tròn, ấn
dẹt rồi lấy đường xoay tròn thành viên bánh trôi.
Hoạt động
trải nghiệm kết thúc là lúc các con được xúm xít bên nhau thưởng thức thành quả
mà các con đã cùng góp sức làm nên. Có thể viên bánh trôi chưa tròn, có thể cái
bánh chay quá to vì bàn tay các con còn non nớt, vụng về nhưng hơn hết các con
đã có được niềm vui thực sự, có thêm những hiểu biết thú vị về một món bánh gần
gũi trong ngày Tết hàn thực của dân tộc,thêm yêu thương gia đình của mình.
Một
số hình ảnh ghi lại tại buổi trải nghiệm “ Bé vui Tết hàn thực”