iệc phát hiện và can thiệp sớm vô cùng quan trọng, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội - là ý kiến của ThS.BS Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nhân Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ tại hội trường Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Theo Trung tâm Phòng chống dịch bệnh tại Hoa Kỳ năm 2012, cứ 68 trẻ thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK). RLPTK là một rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, biểu hiện là những khiếm khuyết hành vi đặc trưng về tương tác xã hội; giao tiếp bằng lời và không lời; hành vi, sở thích, hoạt động rập khuôn, lặp đi lặp lại.
Nguy cơ tăng mắc bệnh
BS Minh Triết cho biết trẻ RLPTK thường mắc bệnh lý khác liên quan đến phát triển, tâm thần, thần kinh, nhiễm sắc thể và gen. Theo đó, những nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc RLPTK ở trẻ, ngoài yếu tố môi trường gồm:
* Trẻ sinh đôi cùng trứng, tỉ lệ mắc của trẻ còn lại lên đến 36-95%, sinh đôi khác trứng, tỉ lệ 0-31%.
* Phụ huynh có một trẻ mắc RLPTK, nguy cơ trẻ thứ hai mắc là 2 -18%.
* Trẻ sinh non, sinh nhẹ cân hay trẻ có cha mẹ lớn tuổi nguy cơ mắc RLPTK cao.
7 cách phát hiện
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đưa ra những gợi ý về các tiêu chuẩn để phụ huynh chẩn đoán con mình có mắc bệnh tự kỷ hay không:
1. Giao tiếp xã hội và tương tác xã hội suy yếu, kéo dài, không thể duy trì cuộc đối thoại, giảm chia sẻ hứng thú, cảm xúc.
2. Bất bình thường trong tương tác bằng mắt và cơ thể.
3. Suy yếu trong sự hiểu biết và sử dụng các cử chỉ cho đến việc biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt và giao tiếp phi ngôn ngữ.
4. Các hoạt động vận động cơ, sử dụng đồ vật hoặc lời nói rập khuôn hoặc lặp lại. Ví dụ như xếp đồ chơi thành hàng dài hoặc lật đồ vật nhìn ngắm trong
thời gian dài...
5. Nhấn mạnh sự giống nhau, tuân thủ cứng nhắc lịch trình hoạt động. Ví dụ như trẻ cực kỳ khó chịu với những thay đổi nhỏ trong sinh hoạt và đồ chơi của mình hay phải ăn đúng thức ăn đã lên lịch...
6. Những sở thích bị giới hạn cao và có tính bất thường về cường độ hoặc mức tập trung. Ví dụ như trẻ có sự gắn bó mạnh mẽ hay quan tâm với các đồ vật một cách không bình thường...
7. Phản ứng quá mức hoặc dưới mức bình thường, quan tâm đặc biệt đến khía cạnh môi trường. Ví dụ như thờ ơ với đau đớn hay nhiệt độ, phản ứng khó chịu với âm thanh hay bề mặt sàn, ngửi hoặc sờ mó đồ vật, đam mê ánh sáng hay sự di chuyển quá mức...
"Phụ huynh cần theo dõi kỹ lưỡng những biểu hiện trên trong thời gian dài, bởi vì có nhiều trẻ đều có những biểu hiện tự kỷ nhưng khi đi khám thì trẻ chỉ phát triển chậm hơn bạn bè cùng lứa" - BS Minh Triết lưu ý.
TS Giang Hoa (Viện Di truyền y học) nói: "Các bác sĩ chúng tôi cần hiểu biết chính xác đặc điểm bệnh của từng cá nhân để có thể xây dựng phác đồ hiệu quả hơn cho bệnh tự kỷ, dựa trên những đặc điểm: sự khác biệt di truyền, tác động môi trường và lối sống, dữ liệu cận lâm sàng. Vì thế phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở y tế để thăm khám và can thiệp sớm".
Các bác sĩ cũng cho biết nếu phát hiện càng muộn thì càng gây khó khăn cho việc điều trị, thậm chí không thể cải thiện phần trăm nào nếu trẻ mắc bệnh tự kỷ đã lâu.
Nguồn https://tuoitre.vn