ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM, kể: năm 2008, sang thăm một trường tiểu học nổi tiếng ở Singapore, chị nhận được một brochure hướng dẫn phụ huynh những việc cần làm khi không hài lòng với giáo viên của con mình về một điều gì đó.
Brochure đề nghị phụ huynh kiểm tra tâm trạng bản thân bằng cách trả lời sáu câu hỏi: nếu 3/6 câu hỏi đều trả lời "có" thì cần hít một hơi thật sâu, dằn xuống 30 giây rồi thở ra từ từ trước khi vào gặp hiệu trưởng nhà trường; nếu 4/6 câu trả lời "có" thì chưa nên gặp cô giáo ngay...
Brochure ấy cũng hướng dẫn phụ huynh khi làm việc với hiệu trưởng, với giáo viên của con mình cần mở đầu bằng những điều tích cực, sau đó hãy gọi tên cảm xúc của mình rồi nêu lên đề nghị. Ví dụ: Tôi biết cô làm điều đó là vì yêu thương học sinh, muốn học sinh mau tiến bộ nhưng tôi cảm thấy... con tôi cảm thấy... và đề nghị cô...
ThS Thụy Anh đã hỏi hiệu trưởng nhà trường tiểu học ấy rằng: "Tại sao trường lại làm những brochure như vậy?". Bà hiệu trưởng trả lời: "Vì khi sự giận dữ dâng cao, kết hợp với lòng yêu thương con cái vô bờ rất dễ biến phụ huynh thành một đứa trẻ con".
Người viết bài này đã đem câu chuyện kể cho một người bạn (từng làm việc trong ngành giáo dục) nghe. Anh thừa nhận: mình cũng từng biến thành một đứa trẻ khi đến trường đón con.
Thấy đứa con cưng nhăn nhó, đi cà nhắc vì "bị xô ngã trong lúc trường tập huấn phòng cháy chữa cháy", anh dẫn con vào phòng hiệu trưởng, yêu cầu hiệu trưởng gọi giáo viên chủ nhiệm và bảo mẫu lên.
Anh chất vấn tại sao lại để con anh bị ngã. Rằng hai cô không làm hết trách nhiệm của mình, không thể chỉ xin lỗi là xong. Không đảm bảo an toàn cho học sinh được thì không được tập huấn hay diễn tập gì cả...
Anh không ngờ con gái anh phản ứng bằng cách từ đó về sau không cho ba đưa và đón con đi học. Vì: "Ba không lịch sự khi nói chuyện với cô giáo của con". Đó là bài học nhớ đời mà anh bạn tôi không bao giờ quên.
Tôi vẫn ước: giá như ngành GD-ĐT có một cuốn cẩm nang với những quy định cụ thể, hướng dẫn ban giám hiệu nhà trường, giáo viên và cả phụ huynh cần làm gì và được phép làm những gì khi không hài lòng về nhau.
Để làm gì? Để người giáo viên vững vàng hơn với nghề; để ban giám hiệu các trường hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình, không được bỏ giáo viên lại, để cho giáo viên một mình đối mặt với những phụ huynh đang trong cơn giận dữ; để mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội thực sự là mối quan hệ gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giáo dục học sinh đạt hiệu quả cao nhất.
Nguồn https://tuoitre.vn