Bệnh
lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho
người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti
và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn cái
đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi
vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn,
dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở
dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum,
vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có
chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa ..., không đẻ ở
ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa,
khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.
Theo
Tổ chức Y tế thế giới, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, gia
tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc
gia. Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong
vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh.
Tại khu vực Đông Nam Á, có tới 7 trong số 10 nước bị sốt xuất huyết
nặng nề, bệnh luôn là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp nhập viện
và tử vong ở trẻ em; từ năm 1980 trở lại đây số mắc sốt xuất huyết đã
tăng lên gần gấp 5 lần so với 30 năm về trước. Năm 2017, số mắc/100.000
dân tại nhiều nước khu vực châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao như: Peru
(195), Nicaragua (199), Argentina (121), Brazil (171), Ecuador (49),
Malaysia (141), Philippines (33), Lào (30), Singapore (20).
Tại
Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, có tỷ lệ
mắc trên/100.000 dân là 56,7, thấp hơn so với một số nước và tỷ lệ tử
vong (0,029) thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực. Bệnh lưu hành ở
hầu hết các tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền
Nam và miền Trung. Giai đoạn từ 1980 - 1999, trung bình mỗi năm ghi
nhận 100.000 trường hợp mắc, 300 - 400 trường hợp tử vong, tỷ lệ tử vong
trung bình từ 0,08-0,09%. Trong đó có năm bùng phát với số mắc trên
300.000 trường hợp (năm 1987), trên 1.500 trường hợp tử vong (năm 1983,
1987). Giai đoạn từ 2000 - 2015 (có Chương trình mục tiêu quốc gia) tình
hình dịch đã giảm, trung bình mỗi năm ghi nhận khoảng 50.000 đến
100.000 trường hợp mắc, gần 100 trường hợp tử vong.
Trong
7 tháng đầu năm 2017 ghi nhận 58.888 trường hợp mắc (50.497 trường hợp
nhập viện), có 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2016 số trường hợp
nhập viện tăng 9,7%. Song số mắc vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền
Nam (64,4%) và miền Trung (19,9%) so với tổng số trường hợp mắc bệnh của
cả nước, do đây là khu vực bệnh lưu hành trong nhiều năm qua. Khu vực
miền Bắc có tỷ lệ mắc thấp hơn (12,4%), tuy nhiên gần đây có gia tăng số
trường hợp mắc tại Hà Nội (số mắc tuyệt đối Hà Nội đứng thứ 3 cả nước,
số mắc trên 100.000 dân đứng thứ 19).
Nguyên
nhân của sự gia tăng dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua là do mùa
hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những
năm trước, dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tập quán tích trữ
nước của người dân chưa có thay đổi đáng kể; tốc độ đô thị hóa nhanh,
môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán
trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của
muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn
thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương
chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở
khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương
gặp khó khăn về kinh phí.
Nhận
định được diễn biến phức tạp và nguy cơ của dịch bệnh, ngay từ đầu năm
Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt các địa phương thực hiện
đầy đủ, đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch, tập trung chỉ đạo các
địa phương triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng tới tất cả
các xã, phường, phun hóa chất chủ động, xử lý trên 96% ổ dịch sốt xuất
huyết được phát hiện; 35 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện chiến dịch
diệt lăng quăng (bọ gậy) quy mô lớn; tổ chức đoàn kiểm tra của Lãnh đạo
UBND TP, Lãnh đạo Bộ Y tế và các đơn vị Trung ương; tiến hành xử phạt
tại Thành phố Hồ Chí Minh (149 trường hợp) và Hà Nội (02 trường hợp); tổ
chức 90 lớp tập huấn và tập huấn lại cho cán bộ y tế dự phòng và điều
trị từ Trung ương tới địa phương; các địa phương đã tổ chức 3.929 lượt
giám sát.
Mới
đây nhất, ngày 20/7/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị
tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết với 38 tỉnh trọng điểm
phía Nam. Ngày 24/7/2017, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác
phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ và sốt xuất huyết năm 2017 để bàn
về những biện pháp ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh, tập trung truyền
thông hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng
quăng, công tác dự phòng giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tiến
hành xử lý ổ dịch, đảm bảo đủ vật tư hóa chất phòng chống dịch, công tác
điều trị cần phân loại, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân, tránh
quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất
sự gia tăng số mắc, cũng như các trường hợp tử vong do bệnh sốt xuất
huyết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lan rộng, kéo dài trong thời gian tới, Bộ
Y tế khuyến cáo mạnh mẽ mỗi cộng đồng thực hiện những hành động đơn
giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng chống dịch, cụ thể như
sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả
cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ,
lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ
muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải,
các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai,
vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá ...
3. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
4. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
5. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế