Đầu tiên hãy tìm ra lý do vì sao trẻ nói dối
Điều này là rất quan trọng đấy nhé vì nó phản ánh suy nghĩ, nhận thức của các bé về bố mẹ, những người xung quanh và môi trường sống hàng ngày. Hãy tâm sự với bé và thông qua các kênh thông tin khác để tìm hiểu lý do vì sao trẻ nói dối.
Thông thường trẻ nói dối xuất phát từ các lý do cơ bản như sau:
– Sợ bố mẹ la mắng khi nói ra sự thật;
– Bé muốn làm vui lòng bố mẹ;
– Bé muốn bảo vệ một ai đó;
– Bé có trí tưởng tượng phong phú vì chúng quá nhàm chán với hiện tại và chúng nghĩ những gì chúng tưởng tượng là có thật;
– Bé sợ phải làm một việc gì đó;
– Bé muốn được người khác chú ý đến mình;
– Học theo những người xung quanh.
– Và cuối cùng các bé không nghĩ nói dối là một sai lầm, một thói quen xấu.
Khi tìm ra được nguyên nhân trẻ nói dối, bố mẹ cần phân tích cho chúng hiểu bản chất vấn đề, nội dung cần hướng đến sự chân thật quan trọng như thế nào, nói dối là thói quen xấu ra sao, bị mọi người xa lánh thế nào,… để bé hiểu và có cách suy nghĩ, cách nhìn nhận đúng hơn nhé.
Có hình phạt nhẹ nhàng khi trẻ nói dối
Không chỉ phân tích, chỉ ra cho bé hiểu vấn đề, khi trẻ nói dối, bạn cần có hình phạt nhẹ nhàng để trẻ ghi nhớ rằng nói dối là đức tính xấu nhé. Bạn có thể bắt bé đứng khoanh tay 20 phút và hứa từ nay không nói dối nữa, cũng có thể bắt bé chép phạt câu “con hứa sẽ không nói dối nữa” 30 lần để trẻ nhớ,… hình phạt nên nhẹ nhàng và có tính chất giúp bé khắc sâu vào suy nghĩ về việc sẽ không nói dối nữa nhé.
Không nhắc lại lỗi nói dối của bé
Khi đã tìm ra được lý do trẻ nói dối, phân tích cho trẻ hiểu, và có hình phạt nhẹ nhàng bạn cần thể hiện lòng tin rằng bé sẽ không mắc lỗi lại nữa và quan tâm, yêu thương bé như bình thường, nếu không các bé sẽ thấy mặc cảm và sợ hãi đấy. Đặc biệt, bạn cần “vờ” như quên đi lỗi nói dối của bé và tuyệt đối không nhắc lại, không chỉ trích bé nhé vì làm như thế là phản tác dụng và đôi khi khiến bé mất lòng tin vào bố mẹ, chúng sẽ nghĩ rằng vì chúng nói dối như thế mà bố mẹ không yêu thương chúng nữa.
Khuyến khích sự thành thật của trẻ
Bạn cần có phương pháp dạy bảo bé hướng đến sự chân thật, thành thật trong từng việc làm, hành động, lời nói. Hãy cho bé hiểu khi bé làm sai điều gì nếu bé thành thật nói với bố mẹ thì bố mẹ sẽ tha thứ và không la mắng, đánh đập bé, nhưng ngược lại nếu bé nói dối, hay cố tình che giấu sự thật thì sẽ bị phạt rất nặng. Hãy phân tích cho bé hiểu khi bé thành thật với mọi người thì sẽ được mọi người yêu thương, quý mến nhưng ngược lại nếu bé không thành thật và nói dối thì sẽ bị bạn bè xa lánh, mọi người không yêu thương bé. Hãy đọc cho bé nghe những câu chuyện, xem những bộ phim hoạt hình đề cao tính thành thật và có sự trừng phạt đối với người nói dối để bé ghi nhớ sâu sắc hơn nhé. Cứ như thế dần dần bé sẽ nhận thức ra được ý nghĩa của sự thành thật đấy.
Bố mẹ cần noi gương cho trẻ
Đôi khi trẻ nói dối chỉ vì chúng thấy bố mẹ cũng nói dối và việc đó là bình thường, không bị làm sao cả trong khi các bé còn nhỏ và rất hay học theo người lớn. Chính vì vậy để con không nói dối, bố mẹ cũng cần noi gương tuyệt đối không được nói dối trước mặt trẻ, đôi khi vì lý do nào đó phải nói dối hãy nói khi không có chúng nhé.
Hầu như đứa trẻ nào cũng có nói dối ít nhất một lần, là cha mẹ hãy biết cách để chỉ bảo cho các bé từ bỏ tính cách xấu này ngay từ nhỏ nếu không nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của các bé sau này đấy. Những cách hay ứng xử khi trẻ nói dối trên đây sẽ giúp các bạn có thêm kỹ năng, kinh nghiệm để ứng xử hợp lý và dạy bảo các bé khi chúng chẳng may nói dối. Tuy nhiên nếu trẻ thường xuyên nói dối hoặc nói dối những việc quan trọng, dù bạn đã tìm đủ mọi cách bé vẫn duy trì thói quen xấu này thì bạn có thể tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ nhi khoa, các tư vấn viên để có thể tìm người giúp đỡ trực tiếp bạn và bé nhé.
Theo Lamchame.com